Ngày 8/9, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) họp phiên thứ nhất bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì phiên họp. Dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại phiên họp đã công bố Quyết định thành lập Tổ công tác; quyết định phê duyệt danh sách thành viên và quy chế hoạt động của Tổ công tác. Tổ công tác có 15 thành viên do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách. Tổ công tác hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, không làm thay chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương. Tổ công tác họp phiên toàn thể định kỳ hằng quý, sơ kết 6 tháng, tổng kết năm hoặc họp đột xuất theo yêu cầu của tổ trưởng Tổ công tác.
Nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách TTHC và Tổ công tác trong thời gian tới là: Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng để thực thi phương án cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân, phân cấp TTHC đã được phê duyệt. Tăng cường hiệu quả phản ứng chính sách của bộ, ngành, địa phương. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Các địa phương trong thời gian tới có 6 nhiệm vụ gồm: Đánh giá tác động, thẩm định TTHC tại đề nghị, đề án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm TTHC được quy định đúng thẩm quyền, cần thiết, hợp lý và với chi phí tuân thủ thấp nhất. Công bố, công khai TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; hàng tháng thống kê TTHC được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về quy định, TTHC; kiểm tra, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC và chấn chỉnh, xử lý. Định kỳ hàng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Công bố, công khai và rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ theo quy định; hoàn thành rà soát ít nhất 50% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ TTHC.
Kết luận phiên họp, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Để làm tốt công tác cải cách hành chính đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường phối hợp, phân cấp, ủy quyền trong quản lý, tổ chức, điều hành hoạt động; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Các thành viên Tổ công tác, các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực rà soát TTHC, quy trình giải quyết TTHC để cắt giảm thủ tục, quy trình không cần thiết; nhưng không được cắt giảm một cách máy móc. Đề nghị Văn phòng Chính phủ theo dõi sát việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương. Kết quả cải cách TTHC của các bộ, ngành, địa phương sẽ đưa vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.
Kết luận phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương bám sát 6 nhiệm vụ của các địa phương mà Tổ công tác đề xuất chủ động tham mưu các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả. Đặc biệt là các nhiệm vụ công bố, công khai TTHC; rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy định, TTHC và công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh làm rõ các khái niệm trong các nhóm nhiệm vụ để tỉnh và các địa phương thực hiện thông suốt, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả tình hình thực hiện cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2023, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở các sở, ngành, địa phương tích cực nâng cao tỷ lệ số hóa kết quả TTHC, đặc biệt là các ngành, địa phương đang có kết quả số hóa thấp như: Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, UBND các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, Tiên Lữ...
(Nguồn: baohungyen.vn)